Nhật Bản đầu hàng Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Tuyên bố Potsdam

Bài chi tiết: Tuyên bố Potsdam

Từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, đại biểu ba nước Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ đã họp hội nghị tại Potsdam, Đức để bàn về những vấn đề quan trọng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề nhanh chóng đánh bại đế quốc Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Ngày 26 tháng 7, Anh-Mỹ-Trung Hoa dân quốc đã thông qua và gửi cho Nhật Bản tuyên cáo Potsdam mang tính tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức. Tuyên cáo cũng đề ra một số biện pháp vận dụng cho nước Nhật sau khi đầu hàng, nhằm loại bỏ nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt và dân chủ hóa nước Nhật.[213] Tuyên cáo này đã đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản định thông qua con đường ngoại giao để chia rẽ khối Đồng Minh, trước hết là chia rẽ Liên Xô-Anh-Hoa Kỳ.[214]

Nhật Bản ngay trong ngày 26 tháng 7 đã nhận được lời tuyên cáo này và đã có những phản ứng khác nhau trong giới lãnh đạo. Trong khi chính phủ Nhật Bản không có phản ứng cụ thể thì phe quân phiệt lại cho rằng tuyên cáo láo xược và chính phủ cần bác bỏ ngay.[215] Chiều ngày 28 tháng 7, trong buổi họp báo, thủ tướng Kantaro Suzuki xin miễn bình luận (Mokusatsu) về bản tuyên cáo[216] và Nhật Bản vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh.

Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki

Đám mây hình nấm phát sinh sau vụ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki, Nhật Bản vào ngày 9 tháng 8 năm 1945

Giữa tháng 7 năm 1945, Hoa Kỳ đã thực hiện thí nghiệm thành công bom nguyên tử tại sa mạc Alabama. Để đẩy nhanh tốc độ kết thúc chiến tranh đồng thời thí nghiệm về hiệu quả thực tế của bom nguyên tử trước khi chiến tranh kết thúc, Mỹ quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, chiếc máy bay B-29 mang tên Enola Gay đã ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima, tạo nên thảm họa vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người. Ngày 9 tháng 8, tại Nagasaki, thảm họa trên lại lặp lại với quả bom nguyên tử Fat Man. Hai quả bom nguyên tử này đã giết chết trực tiếp hơn 240.000 người.[217] Ngoài ra, còn hàng triệu người khác bị tàn phế hoặc nhiễm phóng xạ từ 2 vụ nổ bom này.

Trong tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito nói rằng sự xuất hiện của thứ vũ khí mới là một trong các nguyên nhân thúc đẩy ông ra lệnh đầu hàng: "...Hơn nữa, đối phương bây giờ đã có một loại vũ khí mới và khủng khiếp với sức mạnh để tiêu diệt nhiều sinh mạng vô tội và làm thiệt hại khôn lường. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, không chỉ nó sẽ dẫn đến kết quả là một sự sụp đổ cuối cùng và xóa bỏ quốc gia Nhật Bản mà còn có thể dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn nền văn minh nhân loại...Đây là lý do vì sao chúng tôi đã ra lệnh chấp nhận các quy định trong Tuyên bố chung của các cường quốc (tuyên bố Postdam buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện)''

Tính cần thiết của 2 quả bom nguyên tử này trở thành một đề tài tranh luận lâu dài, trong đó những người phản đối cho rằng một cuộc phong tỏa đường biển cộng với các cuộc ném bom chiến lược là đủ để kết thúc chiến tranh bằng một cuộc đổ bộ, do đó ném bom nguyên tử là không cần thiết.[218] Ngược lại, những người ủng hộ sử dụng bom nguyên tử cho rằng nếu một cuộc đổ bộ của Đồng Minh xảy ra, tính luôn kế hoạch đổ bộ lên Hokkaidō của Hồng quân Liên Xô, hoặc một cuộc phong tỏa lâu dài và ném bom chiến lược sẽ còn làm tăng thêm mức thương vong của dân thường Nhật Bản.[217] Chưa kể, những chiến thuật tự sát kiểu như cuộc hành quân Ten-Go, Kamikaze và sự chống trả kiên cường của người Nhật qua trận Okinawa là nguyên nhân khiến Mỹ phải sử dụng bom nguyên tử để kết thúc nhanh cuộc chiến.[219]

Nhà sử học Samuel J. Walker, đã phân tích 5 lý do tại sao Mỹ đã chọn sử dụng bom nguyên tử đối với Nhật Bản:

  • Thứ nhất là giành chiến thắng trong cuộc chiến với chi phí thấp nhất. Và cách hiệu quả nhất có thể là sử dụng bom nguyên tử.
  • Thứ hai, chứng minh hiệu quả của Dự án Manhattan (dự án chế tạo bom nguyên tử) mà Mỹ đã đổ khoảng 1.889.604.000 USD (tính theo thời giá năm 1945).
  • Thứ ba, phô diễn sức mạnh để gây ấn tượng với Liên Xô. Nếu chiến tranh kết thúc trước khi quân đội Liên Xô tiến vào Nhật, Mỹ sẽ chiếm được lợi thế ngoại giao trước Liên Xô.
  • Thứ tư, khi đó không ai ở Mỹ phản đối việc ném bom lên dân thường. Trước năm 1945, các vụ đánh bom vào dân thường đã được Mỹ tiến hành. Cụ thể, chiến dịch thả bom của Mỹ tại Nhật Bản đã bắt đầu vào năm 1944, sát hại khoảng 315.922 người Nhật, con số lớn hơn rất nhiều so với ước tính số lượng người tử vong do các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Riêng chỉ việc đánh bom tại Tokyo, số người thiệt mạng cũng lên đến khoảng 100.000 người.
  • Thứ năm, để đáp trả mối thù trong trận Trân Châu Cảng: Khi một vị tướng phản đối việc sử dụng bom, Truman trả lời bằng gợi lại sự tàn bạo của Trân Châu Cảng và nói: “Khi phải đối phó với một con thú, anh phải xử lý nó như một con thú”.

Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô

Theo những thỏa thuận tại hội nghị Yalta, sau khi giành chiến thắng trước Đức Quốc xã ở châu Âu, Liên Xô có trách nhiệm chuẩn bị tác chiến với Đế quốc Nhật Bản. Tháng 4 năm 1945, Liên Xô tuyên bố xóa bỏ "Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô". Tháng 6, Liên Xô thành lập bộ tổng tư lệnh Viễn Đông đóng tại Sabarovsk do nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky đứng đầu đồng thời bí mật điều động từ mặt trận phía tây 750.000 quân sang mặt trận phía đông.[220] Từ tháng 5 đến tháng 8, 136.000 toa xe lửa đã được sử dụng để chuyển quân, vũ khí và các phương tiện chiến tranh đến sát Mãn Châu, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên.[202]

Bản đồ chiến dịch Mãn Châu.

Bộ tư lệnh Hồng quân Liên Xô tại Viễn Đông có trong tay 3 phương diện quân, tổng cộng có 11 tập đoàn quân, 1 tập đoàn quân tăng thiết giáp, ba tập đoàn quân lính dù và một bộ phận quân Mông Cổ, tất cả có 1.740.000 quân.[221] Trong khi đó, Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản đóng tại Mãn Châu có 714.000 quân, ngoài ra còn có 170.000 quân Mãn Châu quốc và 44.000 quân Mông Cương (chư hầu của Nhật).[222] Quân Nhật xây dựng tại đây 17 vùng phòng thủ mạnh và 4 vùng ở Triều Tiên.[223] Quân đội Liên Xô trội hơn Nhật Bản về người gấp 1,6 lần, về đại bác gấp 4,8 lần, về xe tăng gấp 4 lần, về máy bay gấp 1,9 lần nên chiếm ưu thế tuyệt đối.[224]

Ngày 8 tháng 8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9 tháng 8, Hồng quân tổng tấn công quân Nhật trên 3 mặt trận: đông bắc Trung Quốc, Nam đảo Sakhalinequần đảo Kurile.[225] Đến ngày 14, quân đội Liên Xô đã hoàn thành việc bao vây chia cắt quân đội Nhật ở Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm, Cáp Nhĩ TânTề Tề Cáp Nhĩ,... Ngày 17 tháng 8, tư lệnh quân Quan Đông Otozō Yamada đề nghị ngừng bắn nhưng tại nhiều nơi quân Nhật vẫn chống cự quyết liệt.[226] Sáng 19 tháng 8, Hồng quân Liên Xô nhảy dù xuống Trường Xuân, chiếm bộ tư lệnh quân Quan Đông. Đại tướng Yamada cùng toàn thể bộ tư lệnh trao kiếm làm lễ đầu hàng.[227] Sau 10 ngày tác chiến, toàn bộ quân Nhật tại đông bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đầu hàng.[228] Ngày 25 tháng 8, 18.000 quân Nhật trên đảo Sakhaline đầu hàng. Ngày 28 tháng 8, Liên Xô chiếm quần đảo Kurile, bắt 80.000 tù binh.[229]

Kết quả là sau chiến dịch Mãn Châu, Hồng quân Liên Xô phối hợp cùng quân đội Mông Cổ đã giải phóng gần 1 triệu km² lãnh thổ Mãn Châu, Bắc Triều Tiên và một phần Nội Mông, một nửa đảo Sakhaline, quần đảo Kurile và bán đảo Liêu Đông.[229] Nhật Bản mất hơn 83.000 quân và 594.000 quân bị bắt làm tù binh. Ngoài ra, 200.000 quân Mãn Châu quốc cũng bị giải giới. Vụ ném bom nguyên tử của Hoa Kỳ cũng đã góp phần làm cho Chiến dịch Mãn Châu kết thúc mau chóng hơn. Nếu không có lệnh của Thiên hoàng kêu gọi hạ khí giới, đạo quân Quan Đông vẫn sẽ bị đập tan hoàn toàn nhưng tổn thất cho phía Liên Xô sẽ lớn hơn khi phải đương đầu với đội quân tinh nhuệ và cuồng tín nhất của Nhật Bản.

Ngay trong ngày 9 tháng 8, trong cuộc họp Hội đồng Chiến tranh Tối cao khai mạc lúc 10:30, thủ tướng Kantaro Suzuki đánh giá rằng "Việc Liên Xô tham chiến sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát, khiến cho chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh được nữa"[230] Để đưa ra quyết định cuối cùng, thủ tướng Suzuki đề nghị vào cung xin Thiên hoàng đưa ra "thiên đoán" (聖断, seidan, có nghĩa là "quyết định thiêng liêng"). Ngày 10 tháng 8, sau khi nghe tin về cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô và ý kiến của Hội đồng tối cao, Thiên hoàng Chiêu Hòa đưa ra lời phán:

Trẫm đã nghĩ kĩ rồi. Người Nga đã tham chiến. Nhật Bản đang lâm vào tình thế "lưỡng đầu thụ địch" cả hai mặt đều bị tiến công. Chỉ còn một giải pháp do thủ tướng Suzuki đề xuất (đầu hàng) mới có thể tìm được lối thoát.[231]

Theo quan điểm của Ward Wilson thì các nhà lãnh đạo Nhật từ lâu đã kết luận: có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến “sẽ quyết định số phận của cả Đế quốc”. Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô đã làm tan biến mọi hy vọng kháng cự của Nhật Bản. Nhiều người tin rằng chiến dịch của Liên Xô mới thực sự là đòn chiến lược quyết định khiến Nhật Bản đầu hàng, còn 2 vụ ném bom nguyên tử của Mỹ thì không.[207]

Nhật Bản đầu hàng

Phái đoàn Nhật bước lên mạn tàu USS Missouri để ký kết hiệp định đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh.

Sau khi Liên Xô tham chiến, thủ tướng Suzuki muốn chấp nhận đầu hàng theo tuyên cáo Postdam chỉ với một điều kiện là quốc thể (kokutai) của Nhật (có nghĩa là vai trò của Thiên Hoàng) phải được duy trì.[232] Trong khi đó, Lục quân và Hải quân Nhật lại chỉ chấp nhận đầu hàng với 4 điều kiện bổ sung là[233]:

  1. Chế độ hiện hành của Nhật phải được duy trì
  2. Người Nhật sẽ tự trừng trị tội phạm chiến tranh của mình
  3. Người Nhật sẽ độc lập trong việc giải giáp
  4. Đồng Minh không được chiếm đóng Nhật Bản; còn nếu bị chiếm đóng cũng không được chiếm đóng lâu dài và chiếm đóng thủ đô Tokyo.

Ngày 11 tháng 8, chính phủ Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc đã trả lời không chấp nhận tuyên bố của Nhật, đồng thời một lần nữa khẳng định lại yêu cầu của Đồng Minh về việc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện và lưu ý chính phủ Nhật kể từ lúc đầu hàng, chính quyền của Nhật hoàng sẽ phục thuộc vào sự chỉ huy tối cao của các nước Đồng Minh và hình thức cai trị của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật quyết định theo tinh thần Tuyên bố Postdam.[234] Đồng Minh trả lời như vậy lại càng gây ra sự tranh cãi và bất đồng ý kiến trong giới cầm quyền Nhật.

Sáng ngày 14 tháng 8, với sự tham dự của Nhật hoàng Hirohito, cuộc họp của Hội đồng Tối cao về chiến tranh đã thông qua quyết định đầu hàng vô điều kiện của nước Nhật.[234] Một số sĩ quan cuồng tín nghe tin này đã cố dùng bạo lực để ngăn chặn nhưng cuộc nổi loạn sau đó đã bị dập tắt.[235] Nội các của thủ tướng Suzuki từ chức và ngày 17 tháng 8, hoàng thân Naruhiko Higashikuni đã đứng ra thành lập chính phủ mới.

12 giờ trưa ngày 15 tháng 8, đài phát thanh Tokyo đã truyền đi chiếu thư của Nhật hoàng về việc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.[236] Ngày 17 tháng 8, lệnh đầu hàng được đưa xuống cho quân Nhật còn đang đóng rải rác trên đất Nhật và ở nước ngoài. Qua đó, 3,3 triệu quân Nhật đang đóng ở nước ngoài đã lần lượt đầu hàng Đồng Minh.[237]

Sáng ngày 28 tháng 8, lực lượng đầu tiên của Sư đoàn không vận số 11 Hoa Kỳ đã đặt chân lên đất Nhật, mở đầu cuộc chiếm đóng của quân đội Mỹ đại diện cho Đồng Minh.[238] Chiều ngày 30 tháng 8, tướng Douglas MacArthur và Bộ tham mưu của ông đã tới và đặt Tổng hành dinh lâm thời tại Yokohama (sau dời về Tokyo).

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiếc thiết giáp hạm Missouri của Mỹ đậu trong vịnh Tokyo, dưới sự chủ tọa của tướng MacArthur, đại diện cho chính quyền Nhật là Mamoru Shigemitsu và đại diện cho Bộ tổng tham mưu Nhật là đại tướng Yoshijiro Umezu đã chính thức ký vào văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.[239] Ngày này đã được tổng thống Mỹ Truman chính thức tuyên bố là Ngày V-J (Victory in Japan - Thắng lợi tại Nhật Bản).[240] Lễ ký kết này đã được tiến hành với sự có mặt của các đại diện các phái đoàn Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Pháp, Trung Quốc, Úc, Canada, New ZealandHà Lan.[241] Chiến tranh Thái Bình Dương và Chiến tranh thế giới thứ hai đến đây đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về phe Đồng Minh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...